ME RỪNG – LOẠI QUẢ MANG TÍNH BIỂU TƯỢNG TRONG PHẬT GIÁO
Trong kinh điển Phật giáo, hình ảnh quả me rừng (hay myrobalan) xuất hiện nhiều lần và mang ý nghĩa sâu sắc.
Theo kinh Śatapañcāśatka, toàn bộ trí tuệ của Đức Phật được ví như một quả me rừng nằm gọn trong lòng bàn tay Ngài, tượng trưng cho sự bao hàm vô tận của mọi pháp. Hoàng đế Ashoka, vị vua vĩ đại của Ấn Độ, cũng có mối liên hệ đặc biệt với loại quả này. Truyền thuyết kể rằng Ngài đã dâng tặng một nửa quả me rừng như một món quà cuối cùng cho tăng đoàn Phật giáo, thể hiện sự quy y và lòng tôn kính của mình.
Không chỉ vậy, quả me rừng còn gắn liền với quá trình giác ngộ của nhiều vị Phật. Đức Phật thứ 21, Phussa, được cho là đã đạt được giác ngộ dưới bóng cây me rừng. Còn đối với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, quả me rừng là một phần trong bữa ăn mà Ngài nhận được từ Sujata trước khi chứng ngộ. Bữa ăn này đã cung cấp cho Ngài sức mạnh để tiếp tục thiền định và đạt đến giác ngộ tối thượng.
Qua các câu chuyện này, quả me rừng trở thành biểu tượng của sự giác ngộ, sự nuôi dưỡng cả về thể xác và tinh thần. Nó nhắc nhở chúng ta về lòng từ bi và sự hỗ trợ mà người khác có thể mang lại trên con đường tu tập. Chính vì vậy, Đức Phật Dược Sư thường được miêu tả đang cầm quả me rừng, biểu thị nguyện lực cứu độ chúng sinh, xoa dịu bệnh khổ.
GIÁ TRỊ ĐỐI VỚI SỨC KHOẺ CON NGƯỜI
Được biết đến từ năm 1753, cây me rừng đã và đang được sử dụng rộng rãi trong y học cổ truyền nhờ những giá trị dinh dưỡng tuyệt vời. Quả me rừng là nguồn cung cấp dồi dào chất chống oxy hóa, vitamin C, giúp tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ tế bào khỏi tổn thương.
Bên cạnh đó, các hợp chất trong me rừng còn có khả năng hỗ trợ tiêu hóa, giảm viêm, và thậm chí góp phần kiểm soát đường huyết. Với lịch sử ứng dụng lâu đời trong y học cổ truyền Ấn Độ, Trung Quốc và nhiều quốc gia châu Á khác, me rừng xứng đáng là một món quà quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho sức khỏe con người.
PHÂN LOẠI
- HỌ Diệp hạ châu (Phyllanthaceae)
- LOÀI Phyllanthus emblica Linn.
- TÊN THƯỜNG GỌI Me Rừng
- TÊN KHÁC Mận rừng, me quả tròn, chùm ruột núi, chùm ruột rừng, mắc kham (Tày), điều cam (Dao), xì ca liên (K’Ho).
- TÊN NƯỚC NGOÀI emblic myrobalan, amla, malacca, myrobalan, emblic, Indian gooseberry.
HÌNH THÁI THỰC VẬT
Thân
Cây nhỡ, phân cành nhiều, cao 5 – 7 m, có khi hơn. Cành nhỏ mềm, có lông.
Lá
Lá nhỏ thuôn hẹp, dài 9 – 10 mm, rộng 2 – 3 mm, xếp xít nhau thành 2 dãy như một lá kép lông chim, mặt trên màu lục xám, mặt dưới nhạt hơi hồng, lá kèm rất nhỏ.
Hoa
Cụm hoa mọc ở kẽ lá ở cuối cành thành xim hoặc tán, hoa đơn tính cùng gốc, màu vàng gồm nhiều hoa đực và ít hoa cái, hoa đực có 6 lá đài, 3 dính nhau, ngắn hơn đài; hoa cái có cuống ngắn hơn hoa đực nhiều, có 6 lá đài dày hơn, bầu 3 ô, mỗi ô chứa 2 noãn.
Quả
Quả thịt hình cầu, đường kính khoảng 1,5 – 2,5 cm, có 6 khía dọc rất mờ, vị chua chát. Hạt hình tam giác, màu nâu đỏ.
PHÂN BỐ, SINH THÁI
Phân bố
Xuất xứ từ vùng đất Ấn Độ – Malaysia, cây me rừng đã “di cư” đến rất nhiều quốc gia có khí hậu nhiệt đới, từ Nam Á đến Đông Nam Á. Ở Việt Nam, cây me rừng xuất hiện ở khắp mọi miền, từ những ngọn đồi trọc đến các khu rừng thưa, đặc biệt là các vùng núi và trung du phía Bắc.
Sinh thái
Me rừng là một loài cây rất dễ thích nghi với điều kiện tự nhiên tại Việt Nam. Cây ưa ánh sáng, có thể chịu được thời tiết khắc nghiệt, từ nắng nóng đến khô hạn. Dù là đất nghèo dinh dưỡng hay đất nhiều sỏi đá, me rừng vẫn sinh trưởng và phát triển tốt. Mùa đông đến, me rừng trút bỏ lá để đón mùa xuân mới. Sau khi ra lá non, me rừng lại trổ hoa vàng. Quả me rừng chín mọng vào cuối năm, mang đến nguồn thức ăn quý giá cho nhiều loài động vật.
BỘ PHẬN DÙNG
Đến nay quả, lá, vỏ cây, rễ của cây me rừng đều đã được dùng để chữa bệnh. Trong đó, quả chín đã phơi khô được ghi vào Dược điển Trung Quốc năm 1977.
THÀNH PHẦN HÓA HỌC
Polyphenols
Polyphenol trong cây me rừng gồm có các hợp chất tannin, flavonoid, acid phenolic. Đây là nhóm hoạt chất chính và quan trọng, mang lại nhiều hoạt tính cho cây me rừng, tiêu biểu là tác dụng chống oxy hóa. Hàm lượng polyphenol tổng số trong quả me rừng khô ở một số tỉnh miền bắc nước ta khoảng 144,3 – 164,7 mgGE/g (PGS.TS. Đỗ Thị Hà và cs (2019)). Polyphenol (polyphenol tổng số, acid gallic, acid ellagic) được dược điển các nước Trung Quốc, Hồng Kông, Anh, Ấn Độ, Myanmar sử dụng để kiểm soát, đánh giá chất lượng của quả me rừng dùng làm thuốc.
Tannin
Thịt quả me rừng chưa chín có chứa 18 – 30% tanin, có khi cao hơn. Các hợp chất tannin được tìm thấy trong quả me rừng gồm (–)-epigallocatechin-3-O-gallate, 1,6-di-O-galloyl-β-D-glucose, acid chebulinic, acid chebulagic, chebulanin, corilagin, emblicanin A, emblicanin B, isocorilagin, punigluconin, pedunculagin, putranjivain A. Trong rễ có phyllaemblicin B, phyllaemblicin C, trong lá, cành có methyl gallat và 1,2,4,6-tetra-O-galloyl-β-D-glucose.
Acid phenolic
Trong quả me rừng có acid 4-hydroxybenzoic, acid coumaric, acid gallic, acid protocatechuic, acid syringic và acid vanillic.
Flavonoid
Các hợp chất này tập trung chủ yếu ở cành và lá của me rừng, bao gồm: kaempferol, dihydrokaempferol, naringenin, myricetin 3-O-α-D-rhamnosid, quercetin, (+)-gallocatechin, (-)-epigallocatechin, eriodictyol, eriodictyol 7-O-β-D-glucosid, rutin.
Vitamins
Quả me rừng là nguồn cung cấp vitamin C dồi dào, khi có hàm lượng vitamin C lớn 1,0 – 1,8%, cao hơn cả trong cam, chanh, quýt. Ngoài ra, quả me rừng còn có vitamin A (290 IU), vitamin E (0,17 mg/100g), vitamin B1 (30 mg/100g), vitamin B2 và acid nicotinic vitamin B3.
Acid amin và khoáng chất
Quả me rừng rất giàu acid amin (glutamic acid, proline, aspartic acid, alanine, cysteine, lysine) và khoáng chất (Ca (25 mg/100g), sắt (1 mg/100g), P, Zn, Mg, K, …)
Khác
Hạt me rừng có chứa dầu (khoảng 16 %), trong đó có các acid béo như acid linoleic (44%), acid oleic (28,4%), acid linolenic (8.8%), acid palmitic (3%), acid stearic (2,15%), và acid myristic (1%). Lá me rừng có chứa alkaloid là phyllatin và phyllatidin.
TÁC DỤNG DƯỢC LÝ
-
Chống oxy hóa
Chứa nhiều vitamin C và polyphenol giúp quả me rừng có tác dụng chống oxy hóa vượt trội, thể hiện ở khả năng ức chế các phản ứng oxy hóa của DPPH, hydroxyl, superoxide, nitric oxid, peroxynitrit, hydrogen peroxid,… Chakraborty D. và cs (2010) nghiên cứu thấy cao chiết nước quả me rừng có tác dụng bảo vệ tế bào ung thư gan HepG2 trước độc tố của tert-butyl hydroperoxid với IC50 = 32,4 μg/ml, tác dụng tốt hơn so với chứng dương là Silymarin ( IC50 = 49,0μg/ml).
-
NCLS
Cao me rừng (250mg x 2 lần/ngày, 60 ngày) làm giảm đáng kể mức độ peroxid hóa và tình trạng chống oxy hóa ở người hút thuốc. Bệnh nhân mắc hội chứng chuyển hóa khi uống cao me rừng (250 mg hoặc 500 mg x 2 lần/ngày, 12 tuần) cũng giảm đáng kể nồng độ GSH và mức độ peroxid hóa lipid.
-
Bảo vệ tim mạch
Tăng lipid máu là nguyên nhân chính gây ra nhiều bệnh lý tim mạch. Quả me rừng giàu polyphenol rất hiệu quả trong việc hạ lipid máu, giúp ngăn ngà và giảm thiểu các biến chứng tim mạch. Cơ chế là do me rừng giúp cải thiện lipid máu (hạ TC, TG, LDL và tăng HDL), thay đổi hấp thu cholesterol và phospholipid, ức chế hoạt động của enzym HMC Co reductase (enzym tổng hợp cholesterol).
-
NCLS
Cao me rừng (500 mg/ngày, 12 tuần) làm giảm đáng kể sự kết tập tiểu cầu và giảm nồng độ LDL cholesterol và cholesterol tổng số/HDL và giảm một số nguy cơ tim mạch ở những người thừa cân. Cao me rừng (250 mg và 500 mg/ngày, 12 tuần) cũng giúp cải thiện chức năng nội mô, stress oxy hóa, viêm hệ thống và các chỉ số lipid trên người bình thường khỏe mạnh.
-
Chống đái tháo đường
Các hoạt chất chính trong quả me rừng như acid ellagic, vitamin C làm giảm hoạt tính của các enzym quan trọng của quá trình chuyển hóa glucose, đặc biệt là amylase và glucosidase, giúp chống lại bệnh tiểu đường.
-
NCLS
Người bị tiểu đường dùng khoảng 3 g cao chiết me rừng hoặc 10 g quả me rừng mỗi ngày giúp giảm đường huyết. Bệnh nhân đái tháo đường uống chế phẩm Rajanymalakadi (mỗi viên 500 mg chứa 250 mg Salacia oblonga, 125 mg Curcuma longa và 125 mg cao me rừng) được cải thiện các chỉ số đường huyết, HbA1-c, cholesterol toàn phần, triglycerid, LDL, VLDL và các acid béo tự do trong huyết thanh, đồng thời tăng đáng kể nồng độ insulin, glutathion và HDL trong máu. Cao chiết me rừng còn giúp giảm các nguy cơ biến chứng thần kinh ở bệnh nhân tiểu đường.
-
Chống ung thư
Polyphenol ức chế stress oxy hóa, sản sinh các chất gây viêm, ngăn ngừa tổn thương DNA và tăng quá trình apoptosis thông qua các cơ chế khác nhau, từ đó giúp bảo vệ cơ thể chống lại tế bào ung thư. Cao me rừng giàu polyphenol ức chế sự phát triển của một số dòng tế bào ung thư như ung thư cổ tử cung HeLa, ung thư phổi MRC5, H441, H520, ung thư gan BEL-7404.
-
Điều hòa miễn dịch
Các nghiên cứu đã chứng minh quả me rừng có tác dụng điều hòa và kích thích miễn dịch thông qua khả năng bảo vệ tế bào chống lại các tác nhân gây tổn thương oxy hóa và tăng cường hoạt động của các tế bào miễn dịch (các đại thực bào, bạch cầu, tế bào NK lá lách),
-
Chống viêm, loét
Quả me rừng có tác dụng chống viêm loét, thông qua khả năng chống oxy hóa và làm giảm giải phóng NO, giảm sản sinh TNF-α, IL-1β và IL-6, các chất trung giam gây viêm, giảm đau. Một số nghiên cứu cho thấy quả me rừng làm giảm bớt các phản ứng viêm cấp tính và giảm, đẩy nhanh quá trình lành vết thương trong loét do NSAIDs gây ra.
-
NCLS
Cao me rừng (có chứa punigluconin, emblicanin-A, emblicanin-B và peduculagin) liều 500 mg/ngày giúp giảm kết tập tiểu cầu ở bệnh nhân mắc tiểu đường tuýp 2.
-
Bảo vệ tiêu hóa
Polyphenol trong quả me rừng là tác nhân bảo vệ đường tiêu hóa do tác dụng chống viêm loét và ức chế vi khuẩn Helicobacter pylori.
-
NCLS
Bệnh nhân mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản cao me rừng hàng ngày (500 mg/viên, x 2 lần/ngày) giúp giảm mức độ nghiêm trọng và tần suất trào ngược, ợ nóng.
TÍNH VỊ, CÔNG NĂNG
Quả me rừng có vị chua, ngọt, đắng, tính mát, có tác dụng nhuận phế, hóa đờm, sinh tân dịch, khỏi khát. Rễ me rừng vị đắng, chát, tính mát, có tác dụng thu liễm và giảm huyết áp.
CÔNG DỤNG
Me rừng không chỉ là một loại cây quen thuộc mà còn là một “nhà thuốc thiên nhiên” quý giá. Từ lá, thân, rễ cho đến quả, tất cả các bộ phận của cây đều có thể sử dụng để chữa bệnh.
- Tiêu hóa: Me rừng giúp làm dịu cơn khát, trị đau bụng, giảm viêm, hỗ trợ điều trị tiêu chảy, táo bón và các vấn đề về tiêu hóa khác.
- Hô hấp: Nước sắc từ quả me rừng giúp giảm ho, long đờm, làm dịu cổ họng, hỗ trợ điều trị cảm cúm và viêm họng.
- Da liễu: Lá me rừng có tác dụng kháng viêm, làm dịu da, kích thích mọc tóc, giúp điều trị các bệnh ngoài da như viêm da, mẩn ngứa, lở loét.
- Khác: Ngoài ra, me rừng còn được sử dụng để điều trị cao huyết áp, rắn cắn, nhức đầu, chóng mặt, sốt và nhiều bệnh khác.
Từ Ấn Độ đến Nepal đến các nước khu vực Đông Nam Á, me rừng được sử dụng rộng rãi trong y học cổ truyền để điều trị hàng loạt các bệnh khác nhau. Từ các bệnh thông thường như ho, sốt, tiêu chảy đến các bệnh mãn tính như đái tháo đường, bệnh gan, me rừng đều được tin tưởng là một phương thuốc hiệu quả