SÂM NGỌC LINH

Sâm Ngọc Linh là cây thảo dược quý đặc hữu của Việt Nam và là một trong bốn loại nhân sâm quý nhất thế giới. Là loại dược liệu quý hiếm, Sâm Ngọc Linh xem như cây thuốc “giấu” mà đồng bào dân tộc sử dụng từ lâu đời để bồi bổ cơ thể, chữa bệnh. Đến nay, Sâm Ngọc Linh được xem là “Quốc bảo của Việt Nam”.

LỊCH SỬ SÂM NGỌC LINH

Truyền thuyết kể rằng, người Xơ-đăng sóng dưới núi Ngọc Linh đã mật truyền một phương “thuốc giấu” được lấy về từ núi thẳm, rừng sâu. Chẳng ai biết cây “thuốc giấu” có từ khi nào và đến từ đâu. Chỉ biết cây “thuốc giấu” luôn được người Xơ-đăng bảo vệ, trân trọng như báu vật mà thần núi, thần rừng đã ban tặng cho người dân nơi đây… Đến những năm kháng chiến chống Pháp, bí mật về cây “thuốc giấu” bắt đầu được hé lộ khi các già làng đã chỉ cho những cán bộ hoạt động nằm vùng tại đây cây thuốc quý. Thế nhưng, mãi đến năm 1973, bức màn bí mật về cây thuốc quý này mới thực sự được vén mở khi đoàn công tác dược liệu Ban Dân y Quân khu 5 do dược sỹ Đào Kim Long dẫn đầu đã tìm thấy cây Sâm Ngọc Linh ở độ cao 1.800m trên đình núi Ngọc Linh, thuộc địa phận tỉnh Kon Tum. Đến năm 1985, hai nhà khoa học là TS Hà Thị Dụng và TS Grushvitsky xác định Sâm Ngọc Linh là một loài mới, đặc hữu của hệ thực vật Việt Nam, thuộc chi Panax L., họ nhân sâm [Araliaceae] và đặt tên khao học là Panax vietnamensis Ha et Grushv [theo Trung tâm Sâm Việt Nam – 1993], thuộc 250 loài quý hiếm trong sách đỏ Việt Nam.

Duy nhất cả nước chỉ có 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam có Sâm Ngọc Linh và tại 2 tỉnh cũng chỉ có 16 xã thuộc huyện Ty Mơ Rông [Kon Tum] và huyện Nam Trà My [Quảng Nam] là có Sâm Ngọc Linh. Đỉnh Ngọc Linh cao 2.598m được xem như nóc nhà của Tây Nguyên, có rừng nguyên sinh cùng với sự phong phú của hệ động, thực vật với các điều kiện tự nhiên đặc biệt phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cây Sâm Ngọc Linh.

QUỐC BẢO CỦA VIỆT NAM

Theo kết quả nghiên cứu từ nam 1978 của Bộ Y tế, Sâm Ngọc Linh có số lượng Saponin (một trong những thành phần hóa học của các loại thảo mộc rất có lợi cho sức khỏe con người) cao hơn nhiều lần so với các loại sâm khác tren thế giới. Những kết quả phân tích thân và rễ, củ của Sâm Ngọc Linh, các nhà khoa học xác định được có 52 loại Saponin, trong đó có 26 Saponin có cấu trúc hóa học thường thấy trong sâm Triều Tiên, sâm Mỹ, sâm Nhật Bản và 26 Saponin có cấu trúc mới, không có trong các loại sâm khác. Vì vậy, dù có nhiều nước trên thế giới trồng sâm có thương hiệu nổi tiếng (như sâm của Hàn Quốc và Triều Tiên), nhưng sâm Việt Nam là một trong những loại sâm có hàm lượng saponin nhiều nhất, tương đương với một số cây sâm quý đã từng được nghiên cứu sử dụng từ lâu trên thế giới.

Hơn 30 năm qua, các nhà khoa học và ngoài nước đã chứng minh Sâm Ngọc Linh là loại sâm quý hiếm và được xếp vèo một trong bốn loại nhân sâm tốt nhất thế giới hiện nay. Khác với một số loại sâm của Triều Tiên, Hàn Quốc hay Âu Mỹ thường mọc ở khí hậu hàn đới, sâm Ngọc Linh sinh trưởng trong điều kiện khí hậu nhiệt đới, dưới những cánh rừng già nguyên sinh tại các vùng núi cao hơn 2.500m. Chính sự khác biệt về điều kiện tự nhiên khiến cho sâm Ngọc Linh có nhiều hoạt chất vượt trội hơn so với các loại sâm khác. Và đây chính là cơ hội lớn để sâm Ngọc Linh chiếm lĩnh thị trường trong nước và quốc tế. Việc phát triển loại cây dược liệu quý này không chỉ mang ý nghĩa về kinh tế, góp phần giải quyết vấn đề xã hội, mà còn là cơ hội để khẳng định niềm tự hào dân tộc, tương tự như người Hàn Quốc đã làm với nhân sâm.

Tác dụng dược lý Chủ trị
  • Tăng thể lực, chống nhược sức Suy ngược cơ thể
  • Kích thích các hoạt động não bộ Suy nhược tinh thần
  • Tác dụng kiểu nội tiết tố sinh dục Suy nhược sinh dục
  • Tăng tạo hồng cầu, tiểu cầu Chữa thiếu máu, suy tiểu cầu
  • Đặc hiệu với vi khuẩn Streptococi Chữa viêm họng hạt
  • Antistress giải lo âu và chống trầm cảm Các bệnh lý gây ra bởi stress
  • Tăng cường chức năng gan và bảo vệ tế bào gan Chống xơ gan và giải độc gan
  • Giảm cholesterol huyết, giảm lipit, tăng HDL Xơ vữa động vật
  • Giảm đường huyết hiệp lực với thuốc hạ đường huyết Bệnh tiểu đường
  • Điều hòa hoạt động tim mạch Loạn nhịp tim và hạ huyết áp
  • Chống ôxy hóa (Antioxidant) Chống lão hóa
  • Phòng chống các loại ung thư Hỗ trợ thuốc chữa ung thư
  • Gia tăng sức đề kháng không đặc hiệu Suy giảm miễn dịch

PHƯƠNG THỨC BẢO TỒN
SÂM NGỌC LINH

  • Bảo tồn nguồn gen Sâm Ngọc Linh quý hiếm, kết hợp với việc phát triển nguồn giống chất lượng cao.
  • Quản lý, khai thác và sử dụng bền vững nguồn dược liệu quý hiếm này để phục vụ cho mục tiêu phát triển y, dược và kinh tế.
  • Xây dựng chuỗi giá trị Sâm Ngọc Linh từ khâu giống đến vùng nguyên liệu, chiết xuất và bào chế sản phẩm, từ đó phát triển cây Sâm Ngọc Linh thành ngành sản xuất hàng hóa.
  • Đẩy mạnh việc xây dựng, phát triển thương hiệu Quốc gia cho cây Sâm Ngọc Linh để Sâm Việt Nam có thương hiệu trong nước và trên thế giới, ngang tầm và tiến tới vượt trội so với Sâm Hàn Quốc, Sâm Mỹ, Sâm tam thất (Sâm Trung Quốc).

PHÂN LOẠI

  • GIỚI Plantae
  • NGÀNH Magnoliophyta
  • LỚP Magnoliosida
  • BỘ Apiales
  • HỌ Araliaceae
  • CHI Panax
  • LOÀI Panax vietnamensis Ha Et Grushv

HÌNH THÁI THỰC VẬT

Thân rễ

Thân rễ nạc, đường kính 1-3.5 cm, chiều dài tùy theo số năm sinh trưởng, màu vàng nhạt hay vàng đất, có nhiều đốt, mang những vết sẹo do thân lụi hàng năm để lại, mỗi vết tương đương với 1 năm tuổi. Thân rễ mang nhiều rễ con và những vết nhăn dọc, mùi thơm nhẹ, vị đắng ngọt.

Rễ củ

Rễ củ nằm cuối thân rễ, dạng con quay, hình trụ, đôi khi có dạng hình người, màu vàng nhạt, mang nhiều rễ con và có vân ngang.

Lá khép kín hình chân vịt, mọc ở đỉnh thân. Cuống lá kép dài 2-12 cm, mỗi lá kép thường có 5 lá chét hình trứng ngược, hình mũi mác hoặc hình bầu dục, mép khía răng cưa, đầu lá nhọn, gốc lá hình nệm. Gân lá hình lông chim, thường có 10 cặp, gân phụ hình mạng. Phiến lá màu xanh lục, mách, dễ rách, có nhiều lông cứng dài 1-2 mm, mặt dưới ít hơn.

Hoa

Hoa dạng cụm, thường xuất hiện ở cây có 3 lá kép trở lên. Mỗi cụm hoa có 50-120 hoa, cuống dài 1-1,5cm. Hoa màu vàng lục nhạt, đường kính 3-4mm, gồm 5 lá đài hợp thành hình chuông, 5 cánh hoa, 5 nhị màu trắng. Bao phấn hình xoan, đính lưng, đĩa hoa hơi lồi. Bầu cao 1-1.5mm, có 2 là noãn, nhưng thường chỉ có 1 lá noãn phát triển.

Quả

Mọc tập trung ở trung tâm của tán lá, dài độ 0.8-1cm và rộng khoảng 0.5-0.6cm, sau hai tháng bắt đầu chuyển từ màu xanh đến xanh thẳm, vàng lục quả mọng, khi chín ngả sang màu đỏ cam với một chấm đen không đều ở đỉnh quả.

PHÂN BỐ, SINH THÁI

Phân bố

Sâm ngọc linh hiện đang phân bổ trên vùng sinh thái hẹp, chủ yếu dưới các tán rừng nguyên sinh tại tỉnh Kon Tum và Quảng Nam quanh vùng núi Ngọc Linh nhưng cây mọc tập trung và có trữ lượng cao ở Kon Tum. Sâm tự nhiên và sâm trồng đều chỉ sinh trưởng và phát triển dưới các tán rừng nguyên sinh, nơi có thảm mục dày.

Sinh thái

Do đặc tính sinh thái của củ Sâm Ngọc Linh chỉ mọc trên tầng thảm mục mà không mọc dưới đất, nên những vùng có tầng thảm mục dày là nơi có điều kiện lý tưởng cho cây sâm sinh trưởng và phát triển. Dưới các tán rừng nguyên sinh cũng tạo nên các điều kiện về độ ẩm đất phù hợp cho cây sâm sinh trưởng, phát triển.

Sâm Ngọc Linh sinh trưởng mạnh trong mùa xuân – hè, có khả năng tái sinh tự nhiên từ hạt khá tốt.

Sau nhiều năm được phát hiện, Sâm Ngọc Linh bắt đầu được khai thác ồ ạt. Trước nguy cơ tuyệt chủng của giống sâm quý, Chính phủ Việt Nam đã quyết định thành lập vùng cấm quốc giá ở khu vực có sâm mọc tập trung tạo 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam, đồng thời xếp Sâm Ngọc Linh vào danh sách các loại cây cấm khai thác, mua bán bất hợp pháp.

THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Saponin

Saponin: thành phần hoạt chất chủ yếu của Sâm Ngọc Linh cũng như các loài sâm khác trên thế giới.

Trong khi sâm Triều Tiên (Panax ginseng) chứa khoảng 25 saponin thì Sâm Ngọc Linh chứa 50 saponin và có thể lên tới 52 theo những kết quả nghiên cứu mới nhất, bao gồm 26 saponin đã biết (thường thấy ở sâm Triều Tiên, sâm Mỹ, sâm Nhật) và 26 saponin có cấu trúc mới được đặt tên (vina-ginsenoside [VG] – R1 đến R25 và 20-0-Me-G-Rh1].

Saponin trong sâm Ngọc Linh có thể được phân loại thành các nhóm protopanaxadiol (PPD), protopanaxatriol (PPT) and occotillol (OT), ngoại trừ hai saponin loại oleanane (ginsenoside Ro, hemsloside Ma3).

Sâm Ngọc Linh chứa cả gingeng saponin và saponin loại ocotillol. Trong đó, saponin loại ocotillol chiếm hơn 50% tổng số saponin và chưa được phân lập từ sâm Triều Tiên (Panax gingeng), sâm Mỹ (Panax quinquefolius) hoặc Tam thất (Panax notoginseng).

Các saponin có cấu trúc ocotillol gồm 11 hợp chất với các đại diện chính là: majonoside -R1 và -R2. Đặc biệt M-R2 chiếm khoảng 5.29% trong Sâm Ngọc Linh (nhưng không có trong sâm Triều Tiên) và đóng vai trò quan trọng trong cả hoạt tính sinh học của Sâm Ngọc Linh so với các loài sâm khác trên thế giới.

Polyacetylen

7 hợp chất Polyacetylen đã được phân lập ở phân đoạn ít phân cực từ phần dưới mặt đất của Sâm Ngọc Linh.

Acid béo

17 acid béo từ 8-20 cacbon, trong đó chiếm tỷ lệ lớn nhất là acid linoleic, axit palmitic, acid oleic.

Acid amin

18 acid amin đã được xác định. Thành phần này gồm đủ 8 acid amin cần thiết cho cơ thể, một số acid amin có tỷ lệ rất cao như arginine, lysine, tryptophan.

CÁC TÁC DỤNG CỦA DƯỢC LÝ SÂM NGỌC LINH

  • Tác dụng lên hệ thần kinh trung ương

    Sâm Ngọc Linh liều thấp có tác dụng kích thích thần kinh, làm tăng hoạt động vận động và trí nhớ, nhưng liều cao lại ức chế thần kinh.

  • Tác dụng chống khối u

    Để tìm kiếm các chất thúc đẩy chống khối u (tác nhân ngăn ngừa ung thư), một số chất chiết xuất từ thực vật đã được sàng lọc bằng cách sử dụng tác dụng ức chế sự hoạt hóa kháng nguyên sớm của virus Epstein-Barr (EBV-EA) được gây ra bởi 12-0 tetradecanolphorbol-13 acetate (TPA).

    Chiết xuất methanol của Panax vietnamensis cho thấy hoạt tính ức chế đáng kể (3.9% ở 100g/ml). Vì hoạt tính tập trung ở phần saponin, nên các saponin chính của cây này đã được thử nghiệm. Trong số đó, saponin chính, MR2, thể hiện tác dụng ức chế mạnh nhất đối với hoạt hóa virus Epstein-Barr (EBV-EA) (ức chế 50% ở tỷ lệ mol/TPA).

    Trên cơ sở của khảo nghiệm in vitro, các khảo nghiệm in vivo đã được thực hiện trên động vật. MR2 đã cho thấy khả năng chống khối u trong thử nghiệm sinh ung thư hai giai đoạn ở khối u gan và da chuột.

     

  • Tác dụng chống trầm cảm

    Một số nghiên cứu đã cho thấy tác dụng giảm stress của Sâm Ngọc Linh, đặc biệt đối với các rối loạn tâm thần do căng thẳng tâm lý cũng như vai trò quan trọng của majonoside-R2 đối với tác dụng của loại sâm này.

    Bên cạnh đó, Sâm Ngọc Linh còn có thể cải thiện sức chịu đựng sinh lý, thúc đẩy khả năng tồn tại đối với mệt mỏi do lạnh và các tình trạng căng thẳng khác.

  • Tác dụng tăng sinh lực

    Trong các thử nghiệm ở động vật, Sâm Ngọc Linh cho thấy tác dụng tăng cường hoạt động vận động chung, tăng cường sinh lực.

  • Tác dụng sinh thích ứng (adaptogenesis)

    Trong stress vật lý, cho chuột trắng uống sâm Ngọc Linh liều 100mg/ kg có tác dụng làm tăng khả năng chịu đựng của chuột đối với nhiệt độ cao (37-42 độ C) và nhiệt độ thấp (-5 độ C), làm kéo dài thời gian sống thêm của chuột thí nghiệm.

  • Tác dụng chống oxy hóa

    Trên các thí nghiệm in vivo, sâm Ngọc Linh cho thấy tác dụng chống oxy hóa, ức chế sự hình thành MDA (malonyl dialdehyde) là sản phẩm của quá trình oxy hóa lipid màng sinh học. Ngoài ra, một số hợp chất được phân lập từ Panax vietnamensis được phát hiện có hiệu quả chống lại các phản ứng viêm.

  • Tác dụng kích thích miễn dịch

    Bột chiết sâm Ngọc Linh liều uống 500mg/ kg và majonosid-R2 tiêm trong màng bụng có tác dụng làm tăng chỉ số thực bào trong thí nghiệm in vivo và in vivo ở chuột trắng. Dùng liều E-coli gây chết chuột trắng. Nếu kết hợp dùng sâm và majonosid-R2 với liều như trên sẽ làm tăng tỷ lệ chuột sống sót. Có lẽ do thuốc có tác dụng làm tăng đại thực bào đối với E.coli.

  • Tác dụng bảo vệ gan

    Saponin trong sâm Ngọc Linh, cụ thể là MR2, cho thấy hoạt động bảo vệ gan thông qua cả việc ức chế sản xuất TNF-a bởi các đại thực bào được kích hoạt và ức chế trực tiếp quá trình chết rụng do TNF-a gây ra.

  • Tác dụng phục hồi máu

    Trong thí nghiệm làm giảm hồng cầu và bạch cầu ở động vật thí nghiệm, sâm Ngọc Linh có tác dụng làm phục hồi số lượng hồng cầu và bạch cầu đã bị giảm.

TÍNH VỊ, CÔNG NĂNG

Ngọc Linh có vị đăng, hơi ngọt, mùi thơm nhẹ, có tác dụng kích thích hoạt động, tăng trí nhớ, tăng lực, giúp hồi phục chức năng của các cơ quan trong cơ thể, làm tăng sự thích nghi của cơ thể đối với các yếu tố độc hại.

CÔNG DỤNG

Theo y học cổ truyền Sâm Ngọc Linh cũng có tác dựng tương tự nhân sâm và thậm chí còn có tác dụng mạnh hơn. Bổ 5 tạng (tâm, can, tỳ, phế, thận), yếu tinh thần, định hồn phách, làm khỏi sợ hãi, trừ tà khí, sáng mặt, uống lây nhẹ mình, tăng tuổi thọ.

Thân rễ và rễ của Sâm Ngọc Linh được dùng làm thuốc bổ toàn thân, chữa suy nhược, mệt mỏi, xơ vữa động mạch, ngộ độc gan, viêm họng và hen phế quản mạn tính. Thường dùng phối hợp với các vị thuốc bổ khí hoặc bổ huyết khác như sâm quy dưỡng lực gồm Sâm Việt Nam, đương quy và một số vị thuốc khác. Viên và chè sâm – đinh lăng là dạng thuốc có hai thành phần sâm Việt Nam, và một phần đinh lăng. Sâm cốt giao gồm Sâm Ngọc Linh và cao xương động vật. Gần đây có một số chế phẩm mới như viên ngậm sâm Việt Nam (Vinapanax).